Sau Hòn Thu (đảo chính ở Phú Quý), Hòn Tranh là đảo có diện tích lớn thứ 2 trong hệ thống các đảo của vùng biển này. Hòn Tranh cách đảo Phú Quý khoảng 800m, có hình dạng chữ S, nơi rộng nhất 400m và nơi dài nhất 1.000m.
Thời điểm thuận lợi và đẹp nhất để tham quan đảo Phú Quý là từ khoảng tháng 4 – 10 hàng năm, đây là thời điểm biển khá êm nên sẽ thuận lợi hơn cho việc đi biển cũng như các hoạt động vui chơi trên đảo. Và Hòn Tranh cách đảo Phú Quý gần 1km, phải đi thuyền nhỏ hoặc ca nô ra Hòn Tranh nên cũng cần phải theo dõi điều kiện thời tiết và biển động để có thể di chuyển ra đó.
Trước kia, Hòn Tranh là đảo hoang không người ở, người dân địa phương thường đến đây để cắt cỏ tranh về lợp nhà. Hiện nay, Hòn Tranh là khu vực an ninh – quốc phòng của đảo Phú Quý. Trên đỉnh cao nhất của đảo Hòn Tranh là trạm ra đa có tầm quan sát 500 hải lý.
Nằm giữa biển khơi nhưng Hòn Tranh quanh năm có sóng yên biển lặng, do được núi bao bọc thành một thế chắn sóng vững chãi. Bởi vậy, bãi biển Hòn Tranh cát trắng, nước trong soi rõ từng rạn san hô và nhìn thấy các loại tảo biển.
Hòn Tranh có một hệ thống hang động kỳ bí, với nhiều dáng đá lạ màu chàm, vết tích của núi lửa phun trào, gắn với nhiều huyền thoại của ngư dân vùng biển nơi đây. Đi dọc theo mép biển phía nam Hòn Tranh là đến vũng Gần, vũng Bàn, Mũi Xương Cá, vũng Phật…
Ở Hòn Tranh còn có hang Cò Nước và hang Cò Khô. Hang Cò Nước là nơi nghỉ đêm của họ nhà cò. Trong hang Cò Khô có một bãi đá, tại đây năm 1945, nhân dân đảo Phú Quý tập trung vũ khí chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Vũng Phật là vùng đá trũng màu nâu đỏ, người dân Phú Quý cho rằng, khi chùa Linh Quang bị cháy, tượng Phật bị thiêu rụi, vùng đá này có một hòn linh thạch dáng Phật nổi lên. Ngư dân đã đưa đá về tạc tượng Phật, đặt tại chùa Linh Quang. Vũng Phật đến giờ vẫn là chỗ dựa tinh thần của ngư dân khi ra khơi đánh bắt.
Tiếp tục đi dọc bờ cát đến miếu Trấn Bắc, là miếu thờ quận công Bùi Huy Ích, vị tướng tài của Nguyễn Ánh, đã chết khi bảo vệ vua trốn sự truy sát của nghĩa quân Tây Sơn. Bên cạnh miếu Trấn Bắc là vạn (am) người dân thờ 77 thần Nam Hải trôi dạt vào đảo. Hằng năm, cứ vào tháng 3 và tháng 8 âm lịch, người dân đảo lớn Phú Quý lại đi xuồng máy qua Hòn Tranh để tổ chức giỗ quận công Bùi Huy Ích và làm lễ cúng thần Nam Hải, cầu cho một mùa biển yên bình. Hòn Tranh cũng là nơi lánh nạn của vua Gia Long lúc xưa. Dấu vết còn lại, ngoài miếu Trấn Bắc còn có một giếng nước ngọt, dân đảo gọi là giếng Nguyễn Ánh. Điều đặc biệt của giếng nước là mùa mưa hay mùa hạn, nước vẫn trong và đầy cho bộ đội sử dụng quanh năm.
Đến với Hòn Tranh như được hòa nhập cùng với thiên nhiên, đắm mình trong làn nước mát trong lành, thả hồn theo khúc nhạc du dương của biển cả, đôi khi ngơ ngẩn trước vẻ đẹp mê hồn của hoàng hôn buông xuống mặt biển. Một vẻ đẹp không kiêu sa nhưng đã đi vào lòng người từ lúc nào không hay. Hòn Tranh còn có sự hiện diện của rừng dương cùng với những cây phong ba và dứa dại, đang mơn mởn vươn những tay dài đón ánh nắng vàng và gió từ đại dương bao la thổi về.
Hòn Tranh được bao bọc bởi những dốc núi cao nên biển ở Hòn Tranh cực kỳ tĩnh lặng, nước biển xanh ngắt và trong vắt quanh năm đến nỗi có thể nhìn xuống đến tận đáy biển. Lặng biển và ngắm san hô ở Hòn Tranh rất thú vị vì san hô ở đây khá nhiều màu sắc. Cái màu nước trong của biển cả, màu xanh thẫm bầu trời, những mỏm đá lởm chởm đen do vết tích nham thạch núi lửa kết hợp lại với nhau tạo nên một bức tranh thiên nhiên của tạo hóa đầy thú vị.
Đứng trên đảo Hòn Tranh nhìn về đảo lớn, du khách sẽ thấy rừng dương xanh mướt bên dải cát trắng mịn, những ngày êm ả, dân địa phương ra đảo lại mang theo cả nồi, bếp, bắt cá, cạy hào, tự chế biến thành những món luộc, nướng tươi ngon giữa biển và cảm nhận sự sảng khoái của thiên nhiên. Một chuyến du lịch bụi rẻ tiền nhưng đầy thú vị đã đem lại cho du khách thoải mái tham quan khám phá bao điều kỳ thú của đảo Hòn Tranh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét